- Nhẹ gởi trên gió mây, tặng Tô Thùy Yên
đêm Sài Gòn, chợ Bến Thành rảo bước
bến Bạch Đằng, em tặng chiếc hôn mơ
nẻo quê nhà, tình yêu như biển lớn
ánh mắt người, xin giữ lại trong thơ
về Đa Kao, nhìn mưa trên phố nhỏ
đường Duy Tân bóng mát thuở hôm nào
bẽn lẽn thương, em trao lời yêu ngỏ
Thảo Cầm Viên, anh hôn nhẹ tóc hiền
em còn nhớ quán thạch chè Hiển Khánh
buổi hẹn hò làm mây gió xôn xao
vườn Tao Đàn, mắt môi chừng e thẹn
anh hỏi em yêu nhất nụ hôn nào
áo tím bay, nàng Gia Long tha thướt
nỗi chờ nhau trong âu yếm dịu dàng
dấu chân mây, Hiền Vương ta chung bước
từng nét thương vào tim nhớ, dạt dào
Gò Vấp xưa, lời mẹ ru còn mãi
nghe tiếng mưa, thương nhớ cả đất trời
dẫu mai này, mắt hoa buồn khép lại
vẫn thiên thu còn đó dấu yêu người
chiều quê hương, những cơn mưa nặng hạt
mẹ khóc buồn bên nẻo đợi, lê thê
ai bước đi với niềm đau thế kỷ
có còn chăng lệ nhớ để gởi về
quê nhà tôi, cây khế xưa Gò Vấp
bóng mưa râm, ánh mắt mẹ cha già
mỗi chiều đêm, con thắp nhang niềm nhớ
lệ trên thơ nghìn chữ, gởi người xa
đất Cầu Hang, cánh diều bay thơ ấu
tìm gọi về trên từng mỗi giấc khuya
mẹ cha ơi, dãy mây trời yêu dấu
vệt khói nhang, ai hỏi có muộn màng
buổi hôm nao, chén cơm chiều Gia Định
rau lang luộc, nước mắm cay đậm đà
lá Ngâu rơi trên mắt buồn hiu quạnh
con nhớ hoài hình bóng mẹ cha già
đêm đã về, mẹ ngủ ngoan mẹ nhé
áo thơ gầy, sưởi ấm mẹ trong mơ
chốn tha phương, quê nhà là thương nhớ
mưa bên này, con lạnh lắm mẹ ơi
nghìn tay chữ, bờ mây sum vầy nhớ
mãi cuối đời chỉ còn Một Bài Thơ
Việt Nam tôi, mảnh đất trời xa vợi
lệ mắt nồng, chèo biển mộng quê hương
ngày tháng xưa về đây theo tiếng nhạc
áng thơ buồn còn rớt lại bên sông
lời ước hẹn bến Bạch Đằng năm cũ
em khóc nhiều giữa quạnh vắng mênh mông
một buổi chiều, khu chợ Bà Chiểu cũ
em chờ anh trên chiếc xe đạp hồng
hàng cây xanh, mái trường Lê Văn Duyệt
ngạt ngào thương những chiếc hôn ấm nồng
cây mận lý, hoa trắng cành Gia Định
ánh lửa hồng, sưởi ấm tình quê hương
bữa cơm chiều, gia đình sum vầy lại
mái tranh nghèo, từng giọt nhớ vấn vương...
Trường Đinh
UK, sương mù già 2022
(trích từ bài thơ 2060 câu, Trên Những Miền Quê Hương)
+ Bến Bạch Đằng: Nằm bên bờ sông Sài Gòn, là điểm đến thú vị của người dân địa phương và khách du lịch thưởng ngoạn. Có nét đẹp lãng mạn khi hoàng hôn về, với gió mây nhẹ nhàng tình tứ, với vùng không gian trong lành thoáng mát, và những con sóng bềnh bồng lung linh mộng ở giữa lòng thành phố.
+ Đa Kao: Còn gọi là Dakao, một khu vực phường nằm ven kênh Nhiêu Lộc ở Quận 1. Tên cũ của Đa Kao là Đất Hộ, có nghĩa là vùng đất do hộ trưởng quản lý. Gần bên chợ Lăng Ông Bà Chiểu có sông Cầu Bông, ngày nay gọi là rạch Cầu Bông, nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng. Cây cầu được xây cất vào năm 1771 bởi một phó vương Cao Miên (Khmer), vì vậy vào thuở ấy cây cầu này được gọi là Cầu Cao Miên. Có giả thuyết cho rằng, ngài Lê Văn Duyệt đã cho xây dựng một vườn hoa xinh đẹp gần bên cây cầu, cho nên người dân địa phương quen gọi là Cầu Hoa. Về sau, vì kiêng cử tên của bà Hồ Thị Hoa (vợ của vua Minh Mạng) nên đổi tên lại là Cầu Bông.
+ Đường Duy Tân: Ngày nay gọi là đường Phạm Ngọc Thạch, nổi tiếng trên thi ca với bóng mát cây xanh và trường đại học Luật trước năm 1975.
+ Thảo Cầm Viên: Tức là Thảo Cầm Viên Sài Gòn, còn gọi là Sở Thú, có tuổi thọ đứng hàng thứ 8 trên thế giới. Thảo Cầm Viên nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, với 2 trường trung học nổi tiếng là Võ Trường Toản và Trưng Vương.
+ Thạch Chè Hiển Khánh: Một quán chè nhỏ ở Đa Kao, gần rạp hát Casino thời ấy, nổi tiếng với các món chè thạch đá bào, chè đậu xanh nấu đặc, bánh xu xê, bánh giò, bánh gai... Đây là địa điểm hẹn hò lý tưởng của các bạn học sinh trẻ thuở xa xưa ngày ấy.
+ Vườn Tao Đàn: Còn gọi là vườn Ông Thượng, tức là Thượng Công Lê Văn Duyệt, người đã cho xây dựng một vườn hoa đẹp để cho người dân thưởng lãm và xem hát bội tại khu vực này. Khi người Pháp đến, họ đã sửa chửa lại nơi đây và từ đấy được gọi là Vườn Bờ Rô (Préau, có nghĩa là Sân Lát Gạch). Sau 1975, đổi tên là Công Viên Văn Hóa Tao Đàn.
+ Trường Nữ Sinh Gia Long: Nằm trên đường Phan Thanh Giản (nay là đường Điện Biên Phủ), đến nay đã trên 100 năm tuổi (xây dựng từ năm 1913). Lúc khai giảng 1915, được gọi là Trường Nữ Sinh Áo Tím. Sau 1953, đổi sang màu áo trắng, với phù hiệu đóa mai vàng, lấy tên chính thức là Trường Nữ Trung Học Gia Long. Ngày nay gọi là Trường Trung Học Phổ Thông Nguyễn Thị Minh Khai. Người em gái nữ sinh Gia Long, có tên trong bài hát "Người Yêu Của Lính" do NS Trần Thiện Thanh sáng tác, với tiếng hát Nhật Trường, nổi danh một thời.
+ Đường Hiền Vương: Ngày nay gọi là đường Võ Thị Sáu, gần đấy có nhiều tiệm phở Pasteur nổi tiếng của khu vực Đa Kao.
+ Gò Vấp: Một quận nội thành cách Sài Gòn khoảng 7 km, thuộc tỉnh Gia Định cũ. Theo một số nhà nghiên cứu thì Gò Vắp mới là tên gốc của quận nhưng vì dân địa phương đọc trại ra thành Gò Vấp. Có một số người cho rằng khu vực này lúc xa xưa là một gò đất cao có trồng nhiều cây Vấp (tên tiếng Chăm là Krai), vì vậy nên gọi là Gò Vấp. Hiện nay, ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn (Sở Thú) còn lại 2 cây Vấp. Có thuyết cho rằng, thuở xa xưa vùng đất này là một gò đất gồ ghề, đi lại rất dễ bị vấp té, cho nên dân địa phương gọi là Gò Vấp. Cũng có một số ít người gọi là Gò Té.
+ Cầu Hang: Khu vực đường rầy xe lửa ở đường Lê Quang Định, gần chợ Gò Vấp và rạp hát Đông Nhì cũ.
+ Gia Định: Một tỉnh cũ của miền Nam Việt Nam, được thành lập từ thời nhà Nguyễn (1835) bao gồm 3 phủ là Tân Bình, Tân An và Tây Ninh. Năm 1957, Gia Định gồm có 6 quận chính, cho mãi đến 1974 bao gồm tất cả là 8 quận: Gò Vấp, Tân Bình, Hốc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh, Quảng Xuyên và Cần Giờ. Sau tháng 4 năm 1975, Gia Định cuối cùng bị giải thể. Trước 1835, miền đất Gia Định được gọi là tỉnh Phiên An.
+ Mưa Ngâu: Tên gọi cho những cơn mưa tầm tả vào tháng 7. Sự tích kể rằng, nàng Chức Nữ và chàng Ngưu Lang yêu nhau thắm thiết đêm ngày đã chểnh mảng công việc của Trời giao, nàng thì quên dệt vải, chàng thì quên chăn trâu. Nên bị Trời đọa xuống bờ sông Ngâu, mỗi người ở một bên bờ, và mỗi năm chỉ được gặp nhau một lần vào ngày 7 tháng 7 âm lịch. Vào ngày ấy, mưa dầm dề ray rứt, đó là nước mắt đau thương của Ngưu Lang và Chức Nữ khóc cho chuyện tình mình.
+ Chợ Bà Chiểu: Một khu chợ nhỏ nhưng rất nhộn nhịp tại trung tâm quận Bình Thạnh, gần khu Lăng Ông (ngôi đền thờ đức ngài Lê Văn Duyệt).
+ Trường Lê Văn Duyệt: Trường nữ sinh Lê Văn Duyệt, ngày nay có tên là trường Võ Thị Sáu, ở gần Lăng Ông Bà Chiểu.
No comments:
Post a Comment